Với sứ mệnh đi trước một bước, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đã chủ động đầu tư các dự án điện có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt là việc “phủ sóng” các trạm biến áp (TBA) 110 kV đến các huyện, thành phố, 2 năm gần đây, Vĩnh Phúc đã đóng điện thêm 4 TBA 110 kV, qua đó góp phần đảm bảo nhu cầu sử dụng điện ổn định của doanh nghiệp trong và ngoài nước, gia tăng sức hút đầu tư, đẩy nhanh quá trình Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa.
Trạm biến áp 110 kV Yên Lạc do Ban Quản lý dự án lưới điện - Tổng Công ty Điện lực miền Bắc làm chủ đầu tư, với quy mô xây dựng mới đường dây 110 kV mạch kép có chiều dài hơn 0,24 km; lắp đặt đồng bộ 2 máy biến áp 110 kV 63 MVA.
Công trình đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện ổn định cho huyện Yên Lạc, chống quá tải cho TBA 110 kV Hội Hợp và khai thác hiệu quả dự án lắp máy biến áp AT1 220 kV Vĩnh Tường.
TBA 110 kV Yên Lạc là trạm điện thứ 4 trong 6 TBA được xây dựng trong 2 năm gần đây đi vào hoạt động, nâng tổng số trạm do Công ty Điện lực Vĩnh Phúc quản lý lên 13 trạm, với tổng số 25 máy biến áp, nâng tổng công suất lên hơn 1.500 MVA, góp phần chống quá tải, đặc biệt là việc phân luồng phụ tải cho ngành sắt thép phát huy hiệu quả.
Đây là thành quả cho thấy sự nỗ lực của Ban Quản lý dự án điện Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và chính quyền tỉnh trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và triển khai thi công các dự án.
Theo Công ty Điện lực Vĩnh Phúc, hiện nay, nguồn điện trên địa bàn tỉnh được cấp từ 2 TBA 220kV là Vĩnh Yên (2x250MVA) và Vĩnh Tường (2x250MVA).
Ngoài ra, tỉnh còn nhận cấp hỗ trợ từ các TBA 220kV Vân Trì - thành phố Hà Nội và TBA 220kV Việt Trì - tỉnh Phú Thọ.
Tuy nhiên, nguồn cấp từ TBA 220kV Vân Trì bị hạn chế do đường dây 110kV Quang Minh - Phúc Yên đã quá tải 7%, trong khi dự án “TBA 220kV Mê Linh và đấu nối”, dự kiến tháng 12/2025 mới hoàn thành; nguồn cấp từ TBA 220kV Việt Trì đến TBA 110kV Vĩnh Tường bị hạn chế bởi tiết diện dây dẫn phía Việt Trì.
Trong khi dự án “Xây dựng mới và cải tạo đường dây 110kV Vĩnh Yên - Vĩnh Tường - Việt Trì” chưa hoàn thành. Trong những ngày nắng nóng vừa qua, đường dây 110kV Việt Trì - Sông Lô mang tải max 99%, không có nguồn cấp hỗ trợ.
Công tác cải tạo đường dây 110kV từ lộ 172 TBA 220kV Vĩnh Tường - Hội Hợp - 176 TBA 220kV Vĩnh Yên lên mạch kép chưa hoàn thành nên các MBA AT1, AT2 Vĩnh Yên vẫn chưa được chống quá tải, hiện đang mang tải cao (AT1, AT2 Vĩnh Yên mang tải 103%).
6 tháng đầu năm 2024, Pmax toàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt 840MW, tăng 6,3% so với Pmax năm 2023 (Pmax 2023 đạt 790MW); Sản lượng điện ngày max đạt 16,1 triệu kWh, tăng 5,2% so với sản lượng điện ngày max năm 2023 (15,47 triệu kWh).
Tổng Công ty Điện lực miền Bắc phân bổ công suất trần vận hành cho Công ty Điện lực Vĩnh Phúc tại văn bản số 2275/EVNNPC-KT ngày 20/5/2024 từ 604MW đến 717MW tương ứng với mức công suất vận hành của Tổng Công ty từ 15.200MW đến 17.400MW, lưới điện khu vực Công ty Điện lực Vĩnh Phúc phải quản lý phụ tải, dịch chuyển phụ tải từ 115MW đến 274MW, rất khó khăn trong cung ứng điện.
Bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc chia sẻ: Những năm qua, Vĩnh Phúc luôn đi đầu trong phát triển công nghiệp, là một trong số các tỉnh có tốc độ gia tăng phụ tải hàng đầu khu vực.
Để đáp ứng nhu cầu về điện của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, Tổng công ty luôn ưu tiên nguồn vốn đầu tư các dự án điện trọng điểm phục vụ phát triển hạ tầng lưới điện tại Vĩnh Phúc. Năm 2024, tổng nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng lưới điện Vĩnh Phúc hơn 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, còn nhiều dự án khu, cụm công nghiệp đang trong quá trình đầu tư hạ tầng, nhiều doanh nghiệp sẽ đăng ký cung ứng điện, nguy cơ quá tải luôn hiện hữu. Tổng công ty mong muốn tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và các thủ tục pháp lý liên quan đến quy hoạch sử dụng đất, giúp ngành điện kịp thời đầu tư các dự án, đón đầu xu thế phát triển.
Dự kiến, trong tháng 7/2024, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc và Ban Quản lý dự án lưới điện - Tổng Công ty Điện lực miền Bắc sẽ đóng điện đưa vào vận hành TBA 110kV Tam Dương, công suất 63MVA qua đường dây 110kV Lập Thạch - Tam Dương.
Bên cạnh đó, Dự án Đường dây 110kV Bá Thiện - Khai Quang, khởi công tháng 9/2023, đóng điện năm 2024, đến nay đã đền bù, GPMB được 66/68 vị trí, còn 2 vị trí chưa GPMB là vị trí 14, 31.
Hiện đang triển khai thi công đào, đúc, đóng tiếp địa xong 63/67 vị trí móng; dựng cột 57/67 vị trí; kéo rải, căng dây 8,65/18 km. Dự án Đường dây 110kV Vĩnh Yên - Phúc Yên - Quang Minh, đã khởi công từ 9/2023, thi công cải tạo móng cột vị trí 9A và 44; đạt 5/6 móng cải tạo, còn lại 6A chờ đủ thời gian, do cột mới thi công được móng.
Nhu cầu về điện của người dân, doanh nghiệp trên địa tỉnh ngày càng cao, nhất là khi tỉnh xác định thu hút các ngành công nghiệp sạch, công nghệ cao thì yêu cầu về chất lượng nguồn điện ngày càng khắt khe hơn.
Việc phủ sóng TBA 110 kV đến các 9 huyện, thành phố của tỉnh là điều kiện tốt phát triển công nghiệp tại các địa phương còn nhiều tiềm năng như Sông Lô, Lập Thạch, Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc, nhằm sớm đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, nâng cao chất lượng đời sống người dân theo mức sống đô thị.
Bài, ảnh: Chu Kiều